Báo cáo tóm tắt

Việt Nam đã nhanh chóng hồi phục sau những đợt suy thoái do đại dịch gây ra, nhờ phản ứng chính sách nhanh nhạy. Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao liên tục. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm dịch nhanh và được điều chỉnh phù hợp giúp Việt Nam không phải trải qua các đợt bùng phát quy mô lớn cho tới tận giữa năm 2021. Từ sau đó, chiến dịch tiêm chủng diễn ra nhanh chóng. Tăng trưởng kinh tế cao hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á trong đại dịch, tạo cơ sở vững chắc cho tiến bộ kinh tế hơn nữa. Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 cam kết tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế sâu rộng để phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

Tuy nhiên, các điều kiện bên ngoài đang đe dọa quá trình phục hồi. Việc tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của Việt Nam (Hình 1), nhưng điều đó có nghĩa rằng Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi đột ngột của điều kiện bên ngoài. Những bất ổn địa chính trị đang gây sức ép lên triển vọng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam.

Tăng trưởng được dự báo là vững chắc, nhưng có những rủi ro suy giảm đáng kể (Bảng 1). Nhu cầu nội địa được dự báo phục hồi hơn nữa khi các hạn chế kiểm dịch được dỡ bỏ. GDP thực tế được dự báo tăng 6.5% trong năm 2023 và duy trì tốc độ 6.6% trong năm 2024. Sự gián đoạn các chuỗi cung ứng có thể tiếp tục ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu. Rủi ro suy giảm gồm cả lạm phát cao ngoài dự kiến và việc nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ ở Việt Nam để ứng phó với áp lực lạm phát hoặc áp lực giảm tỷ giá hối đoái. Ở chiều tích cực, các nhà đầu tư nước ngoài có thể ngày càng đánh giá cao môi trường đầu tư ổn định của Việt Nam trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng.

Lạm phát đã tăng lên do giá năng lượng và hàng hóa tăng. Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển đã nới rộng khoảng cách về lãi suất, làm nóng thêm tình hình lạm phát ở Việt Nam bằng việc gia tăng áp lực giảm tỷ giá hối đoái. Điều này đang làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình, cản trở sự phục hồi mới manh nha của tiêu dùng tư nhân và làm tăng nguy cơ nghèo khổ của các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Chính sách tiền tệ sẽ cần được thắt chặt sớm hơn nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến. Cho dù triển vọng lạm phát rất bất ổn, việc duy trì bình ổn giá phải được coi là trọng tâm hàng đầu. Trì hoãn việc giảm nhẹ các chính sách hỗ trợ tăng trưởng có thể dẫn tới nguy cơ củng cố những kỳ vọng lạm phát cao hơn.

Có thể sử dụng không gian tài khóa để cung cấp thêm hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động của chi phí sinh hoạt gia tăng đối với các nhóm dễ tổn thương. Thuế giá trị gia tăng và thuế nhiên liệu đã tạm thời được cắt giảm. Có thể cần hỗ trợ bổ sung nhưng có trọng tâm hơn nếu các rủi ro suy giảm thành hiện thực. Cần triển khai đầu tư công đã được đưa vào trong gói kích thích kinh tế mới nhất hồi đầu năm 2022 theo kế hoạch. Việc đơn giản hóa các quy định và thủ tục đầu tư công sẽ giúp tăng tốc giải ngân.

Khi dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, việc tăng cường bảo trợ xã hội ngày càng trở nên cấp thiết. Tới năm 2050, tỷ số phụ thuộc người già sẽ tăng từ mức 11% hiện nay lên tới 33%, là một trong những mức cao nhất ở Đông Nam Á. Do vậy, cần tăng cường hơn nữa hỗ trợ của nhà nước cho người cao tuổi.

An sinh xã hội cần đóng vai trò quan trọng hơn. Một hệ thống an sinh xã hội toàn diện đang trên đà hoàn thiện. Bảo hiểm y tế hiện đã bao phủ 90% dân số. Trong đại dịch, bảo hiểm thất nghiệp đã đóng vai trò như cơ chế tự ổn định. Tuy nhiên, hệ thống hưu trí nhà nước mới chỉ bao phủ một phần ba lực lượng lao động (Hình 2), với các mô hình nằm ngoài hệ thống có liên quan chặt chẽ đến tình trạng việc làm. Giải quyết khu vực phi chính thức là hết sức quan trọng để khắc phục tình trạng tuân thủ yếu kém của các doanh nghiệp nhỏ trong đóng góp bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, cần tăng cường tính ổn định của hệ thống hưu trí nhà nước. Do vậy, hạn chế việc rút bảo hiểm sớm là quan trọng hàng đầu. Cũng cần tăng cường mạng lưới an sinh xã hội tuổi già cho lao động tự do, những người chiếm một nửa tổng số việc làm nhưng không tham gia hệ thống hưu trí nhà nước bắt buộc, bằng cách mở rộng hệ thống hưu trí xã hội được tài trợ từ thuế hiện thời.

Cần tăng thu ngân sách để tài trợ cho chi tiêu ngày càng tăng. Bên cạnh già hóa dân số, chi tiêu của chính phủ sẽ tiếp tục tăng lên do các nhu cầu chi tiêu khác, đáng kể nhất là đầu tư cho giao thông, cơ sở hạ tầng xanh và số hóa. Điều này đòi hỏi một kế hoạch tài khóa trung hạn cụ thể. Cần giảm bớt các khoản miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, và thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất thuế GTGT giảm. Ngoài ra, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cần được thay bằng thuế thường xuyên áp dụng cho cả công trình và đất đai.

Thúc đẩy năng suất lao động là yếu tố quan trọng để đạt được tăng trưởng kinh tế cao liên tục. Từ năm 1990 đến năm 2019, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao đáng kể là 7%, được hỗ trợ bởi sự tích lũy vốn nhanh và nguồn cung lao động dồi dào từ khu vực nông thôn. Mô hình tăng trưởng này sẽ trở nên khó duy trì hơn khi quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hoàn tất và khi lực lượng lao động tăng chậm hơn. Do đó, tăng trưởng cần được thúc đẩy bởi công nghệ tiên tiến và cải thiện hiệu suất kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, điều cốt yếu là khôi phục tính năng động của thị trường thông qua việc đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính.

Bảo đảm một sân chơi bình đẳng là then chốt để tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn. Nhờ những nỗ lực cải cách sâu rộng trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những thị trường mở nhất Đông Nam Á và đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Các hạn chế về cạnh tranh thấp hơn so với các nền kinh tế thị trường mới nổi khác, nhưng vẫn cần cải thiện thêm (Hình 3). Đặc biệt, sự tham gia của nhà nước vẫn rất mạnh trong một số lĩnh vực, nơi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vai trò chi phối, đáng lưu ý là năng lượng, giao thông và viễn thông. Bên cạnh việc giảm bớt các rào cản gia nhập, rất cần những nỗ lực mới để cải thiện quản trị DNNN. Hơn nữa, cần tăng thêm quyền lực cho cơ quan quản lý cạnh tranh để bảo đảm sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường, gồm cả các DNNN. Việc tiếp tục thực hiện những nỗ lực chống tham nhũng là hết sức quan trọng để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh tổng thể.

Việt Nam nằm trong số những quốc gia đi đầu về số hóa ở Đông Nam Á. Việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số đã tăng nhanh, và việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số - như thương mại điện tử, khám chữa bệnh từ xa và làm việc từ xa - đã tăng tốc trong đại dịch. Việt Nam là cái nôi của các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số, là quê nhà của ba kỳ lân kỹ thuật số (các công ty khởi nghiệp tư nhân với giá trị trên 1 tỷ USD). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phát triển hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác, nhưng vẫn chưa đủ. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao, như cáp quang, sẽ giúp thúc đẩy việc tiếp nhận và phổ biến các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến. Đặc biệt, mức độ tự do hóa lớn hơn trên thị trường viễn thông là yếu tố quan trọng để kích thích đầu tư.

Việt Nam cần tăng cường môi trường tạo thuận lợi để đẩy nhanh quá trình số hóa. Giống như ở nhiều quốc gia khác, chuyển đổi số đang làm thay đổi mọi mặt của nền kinh tế. Chính phủ đã nhanh chóng cung cấp các dịch vụ số hóa như hải quan, đồng thời các khoản thanh toán kỹ thuật số và không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến hơn. Để thúc đẩy hơn nữa quá trình số hóa, cần phân bổ thêm nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, cũng như đào tạo tại chỗ để nuôi dưỡng các tài năng và kỹ năng số hóa. Rất nhiều quy định, gồm cả các quy định về dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới cần được nới lỏng, trong khi tăng cường bảo vệ quyền riêng tư và an ninh mạng. Những cải cách này cũng rất quan trọng để nâng cao mức độ tinh vi trong sản xuất, giúp tăng cường sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

Chính phủ đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cao trong quá khứ được hỗ trợ bởi việc tăng tiêu thụ năng lượng, hầu hết từ nhiên liệu hóa thạch. Tỷ trọng thủy điện đang giảm, khiến cho điện than trở thành nguồn cung chủ đạo. Kết quả là phát thải các-bon đang gia tăng nhanh chóng. Giảm cường độ phát thải cao từ sản xuất là then chốt để đạt được mục tiêu kép phát thải ròng bằng không và tăng trưởng kinh tế cao (Hình 4).

Cần có một chương trình toàn diện để chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp. Để hướng tất cả các ngành kinh tế theo con đường phát triển các-bon thấp, cần xây dựng một chiến lược khí hậu dài hạn rõ ràng và có thể dự đoán được. Chiến lược này cần bao gồm cải cách ngành năng lượng, có vai trò then chốt để gia tăng quy mô đầu tư cho năng lượng tái tạo. Tất cả nhiên liệu hóa thạch hiện đều chịu thuế bảo vệ môi trường, nhưng khó có thể phản ánh đầy đủ chi phí xã hội của khí các-bon. Cần cải thiện điều này để gây ảnh hưởng rõ ràng hơn tới mô thức tiêu dùng của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Cần đẩy nhanh việc thiết lập thị trường các-bon theo kế hoạch để khuyến khích đầu tư cho năng lượng tái tạo trong ngành điện. Việc áp dụng hệ thống phân loại xanh cũng có thể giúp chuyển hướng nguồn lực tài chính sang đầu tư các-bon thấp.

Siêu dữ liệu (metadata), pháp lý và quyền

Tài liệu này và các bản đồ được sử dụng sẽ không gây phương hại tới thực trạng hay chủ quyền đối với bất cứ vùng lãnh thổ nào, cũng như sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định các đường biên giới/ranh giới quốc tế, và tên gọi của bất cứ vùng lãnh thổ, thành phố hay khu vực nào. Việc trích xuất từ các báo cáo có thể phải đi kèm cùng với các tuyên bố miễn trừ trách nhiệm bổ sung, đã từng được nêu trong báo cáo hoàn chỉnh truy cập tại đường link cung cấp.

© OECD 2023

Việc sử dụng tài liệu này, dù dưới dạng bản in hay kỹ thuật số, phải tuân theo các Điều khoản và Điều kiện đăng tải trên https://www.oecd.org/termsandconditions.