14. Kết luận và Khuyến nghị Kết luận

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý về sở hữu và quản trị doanh nghiệp tại các DNNN. Đặc biệt, vào năm 2018, Chính phủ đã thành lập một cơ quan cấp bộ với tên gọi Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC) nhằm nâng cao hiệu quả, thúc đẩy cổ phần hóa và phân tách giữa quyền sở hữu 19 doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước lớn nhất với chức năng quản lý nhà nước. Chính phủ đã ban hành Luật Doanh nghiệp mới, theo sau đó là các Nghị định và thông tư hướng dẫn tổ chức khu vực DNNN một cách hợp lý hơn. Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai hình thức báo cáo tổng hợp thường xuyên để cập nhật thông tin cho Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Hơn nữa, nhờ việc Chính phủ thực hiện rộng rãi các chương trình thoái vốn và cổ phần hóa, số lượng DNNN đã giảm từ 12.000 vào năm 1990 xuống còn khoảng 2.100 doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại. Liên quan tới các bước tiếp theo, gần đây Chính phủ đã công bố kế hoạch sửa đổi Luật 69 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước để phù hợp hơn với Hướng dẫn của OECD về DNNN và lộ trình 5 năm áp dụng IFRS.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn đối mặt không ít thách thức lớn. Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một khung chính sách thống nhất và cụ thể về sở hữu doanh nghiệp. Khung thể chế và pháp lý về sở hữu nhà nước được xây dựng dựa trên một số văn bản quy định các ưu tiên chính sách trong lĩnh vực quản lý và sở hữu nhà nước. Các văn bản quy phạm này mô tả quyền và trách nhiệm về sở hữu nhà nước của các đại diện Chính phủ bao gồm Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đại diện chủ sở hữu nhà nước, HĐQT/Chủ tịch/đại diện phần vốn nhà nước tại DNNN ở các cấp độ khác nhau.

Theo ngôn ngữ gốc của OECD, quyền hạn của CMSC nằm đâu đó ở giữa vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hoặc cơ quan điều phối nhà nước. Cơ quan này có quyền điều phối đối với các DNNN trong danh mục quản lý, tuy nhiên một số quyết định quan trọng chỉ có thể được thực hiện với sự tham gia của các cơ quan khác trong Chính phủ. Ngoài ra, CMSC cũng không có cơ chế thu thập và báo cáo dữ liệu toàn diện để có một cái nhìn tổng quan về các dữ liệu tài chính và phi tài chính quan trọng của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý. Hơn nữa, do CMSC có nguồn lực khá hạn chế và thiếu kiến thức chuyên sâu về ngành nghề hoạt động của các DNNN, nên trên thực tế, các bộ ngành chủ quản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các DNNN trong danh mục quản lý của CMSC. Trong một số trường hợp, theo các DNNN, CMSC chỉ tạo ra thêm một lớp quản lý hành chính khác, kể cả khi cơ quan này tham gia vào các dự án cổ phần hóa hoặc đầu tư lớn.

Vì lý do nêu trên cùng với các lý do khác, các chức năng sở hữu nhà nước và điều tiết thị trường trên thực tế vẫn được thực hiện đồng thời trong nhiều trường hợp. Bên cạnh vai trò giám sát theo thành lập về thể chế, vai trò thứ hai phát sinh từ các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước được đầu tư vào DNNN. Các vai trò này thường có mối liên hệ chặt chẽ với các mục tiêu chính sách công của chính phủ, nên không có sự rõ ràng giữa các hoạt động sản xuất và kinh doanh của DNNN với việc thực thi quyền lực chính trị của nhà nước.

Liên quan tới vấn đề trung lập cạnh tranh, theo luật định không có sự phân biệt chính thức nào giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, sự gần gũi của các DNNN với các nhà hoạch định chính sách, việc tiếp tục hợp nhất thực hiện quyền sở hữu, việc Chính phủ sử dụng các DNNN một cách công khai như phương tiện chính để thực hiện các chính sách ngành/lĩnh vực của Nhà nước, trách nhiệm hoạch định chính sách và quản lý trong cùng các cơ quan/bộ thuộc chính phủ đã dẫn đến nhận thức có sự đối xử phân biệt và thiếu nhất quán cũng như làm bóp méo thị trường.

Mức độ công bố và chất lượng thông tin (bao gồm cả thông tin tài chính và phi tài chính) cũng khác nhau tùy thuộc vào bộ chủ quản chịu trách nhiệm hoặc bên kiểm soát liên quan, trong đó trang web của nhiều DNNN dường như không đảm bảo tính tuân thủ về công bố thông tin. Việc DNNN tuân thủ các yêu cầu cung cấp thông tin công khai trên “Cổng thông tin doanh nghiệp” mới định kỳ 6 tháng và hằng năm sẽ giúp minh bạch hơn thông tin tài chính của tất cả các DNNN. Tuy nhiên để triển khai thành công hoạt động này đòi hỏi phải tăng cường giám sát tuân thủ ở mức độ cao hơn so với hiện tại.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm ra quyết định giao kế hoạch sản xuất/kinh doanh hàng năm cho DNNN, bao gồm tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu kỳ vọng (ROE). Tuy nhiên, việc này trên thực tế được thực hiện không theo kế hoạch. Chưa có khuôn khổ pháp lý nào được thiết lập để đảm bảo chi phí vốn chủ sở hữu nhà nước phù hợp với thị trường và nguồn vốn từ nhà nước phải đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt mức kỳ vọng tối thiểu. Những hạn chế tương tự cũng tồn tại ở các khoản đầu tư vốn cổ phần từ các DNNN.

Mặc dù Chính phủ đệ trình báo cáo tổng hợp lên Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, nhà nước không có một trang web chuyên dụng nào để đăng tải thông tin trong báo cáo và các thông tin về từng DNNN. Theo quan điểm của Nhà nước, bằng cách chuẩn bị và công bố báo cáo trong các cuộc họp và hội nghị định kỳ, Nhà nước đang cung cấp thông tin công khai về hiệu quả hoạt động tài chính và phi tài chính của DNNN.

Vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo HĐQT trong các DNNN thực hiện vai trò của mình một cách mạnh mẽ và tự chủ. HĐQT tại các DNNN thường có mối liên kết chặt chẽ với các cơ quan hành pháp quốc gia, và trong một số trường hợp, Chính phủ trực tiếp đưa ra các quyết định quan trọng của doanh nghiệp mà không thông qua các cấp ra quyết định tại doanh nghiệp. Ở mức tối thiểu, nhà nước phê chuẩn việc bổ nhiệm Tổng giám đốc trong tất cả các DNNN - bao gồm cả Công ty cổ phần hoặc trực tiếp bổ nhiệm Tổng giám đốc trong trường hợp nhóm công ty (do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện).

Sự kết hợp hiện tại giữa các thủ tục kiểm soát của Đảng và Nhà nước tại DNNN với các thông lệ kinh doanh hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế tạo ra những thách thức lớn về hiệu quả kiểm soát nội bộ tại các DNNN - đặc biệt nhưng không chỉ bao gồm các DNNN 100% vốn nhà nước. Vai trò và trách nhiệm kiểm soát nội bộ được phân tách một cách chính thức và không chính thức giữa HĐTV/HĐQT, Ban Kiểm soát, Tổ chức Đảng hoặc Đảng ủy trong doanh nghiệp, “Ban Kiểm soát nội bộ” báo cáo cho HĐQT và chức năng kiểm toán nội bộ báo cáo cho Ban Kiểm soát nội bộ. Trên thực tế, có vẻ như một trong những bộ phận kiểm soát hiệu quả nhất trong doanh nghiệp là Đảng ủy, tuy nhiên tổ chức này có thể không thực sự khuyến khích áp dụng các thông lệ quốc tế trong hoạt động kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro tham nhũng một cách thực chất.

Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, mối quan tâm chính vẫn là việc thực hiện các quy định hiện hành. Việt Nam đã xây dựng các cấu trúc pháp lý, quy định và thể chế mà về mặt nguyên tắc có thể so sánh tương ứng với nhiều quốc gia khác, kể cả các quốc gia thành viên của OECD. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các quy định chính thức thường không được tuân thủ. Trên thực tế, sự tồn tại của cấu trúc quyền lực dựa trên mối liên hệ cá nhân cũng như mối liên kết với Đảng đồng nghĩa với việc các cán bộ cấp cao trong các Bộ và DNNN có thể tự ý hành động mà không bị xử phạt. Do trong bối cảnh chính trị hiện nay, việc này khó có thể dừng diễn ra trong tương lai gần, nên các phương án tốt nhất để nâng cao quản trị các DNNN là tiếp tục tăng cường và chuyên nghiệp hóa hơn nữa chức năng đại diện chủ sở hữu cũng như gia tăng mức độ công khai và minh bạch trong các hoạt động cấp bộ và cấp doanh nghiệp.

Siêu dữ liệu (metadata), pháp lý và quyền

Tài liệu này và các bản đồ được sử dụng sẽ không gây phương hại tới thực trạng hay chủ quyền đối với bất cứ vùng lãnh thổ nào, cũng như sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định các đường biên giới/ranh giới quốc tế, và tên gọi của bất cứ vùng lãnh thổ, thành phố hay khu vực nào. Việc trích xuất từ các báo cáo có thể phải đi kèm cùng với các tuyên bố miễn trừ trách nhiệm bổ sung, đã từng được nêu trong báo cáo hoàn chỉnh truy cập tại đường link cung cấp.

© OECD 2022

Việc sử dụng tài liệu này, dù dưới dạng bản in hay kỹ thuật số, phải tuân theo các Điều khoản và Điều kiện đăng tải trên https://www.oecd.org/termsandconditions.